Những đứa con của nửa đêm
Phan_5
Có những thời khắc hãi hùng, nhưng rồi cũng qua. Sợ hãi như một con thủy quái sủi tăm trồi lên hít thở, sục sôi trên bề mặt, nhưng cuối cùng sẽ lặn xuống đáy sâu. Quan trọng là tôi phải giữ được bình tĩnh. Tôi nhai trầu và phún xuất vể phía chiếc bát rẻ tiền bằng đồng thau, tái hiện trò chơi phụt-ống-nhổ cổ xưa: trò chơi của Nadir Khan, học của những ông già xứ Agra... và ngày nay người ta có thể mua được thứ “trầu tên lửa”, trong đó, cùng với món bánh trầu đỏ lợi, là cơn khoái cảm của cocaine gói trong một lá trầu. Nhưng thế là ăn gian.
... Từ bản thảo của tôi tỏa ra cái mùi không lẫn được của chutney[1]. Đã vậy tôi sẽ không vòng vo nữa: Tôi, Saleem Sinai, kẻ sở hữu cơ quan khứu giác nhạy bén nhất trong lịch sử, đã dành trọn những ngày cuối đời cho việc sản xuất gia vị quy mô lớn. Nhưng lúc này, “Đầu bếp á?” quý vị há hốc mồm kinh hãi, “Một gã khan-sama thôi ấy hả? Có nhẽ đâu thế?” Và, tôi công nhận, tinh thông đồng thời cả nghệ thuật bếp núc lẫn ngôn ngữ là rất hiếm; thế nhưng tôi lại có cả hai. Quý vị ngạc nhiên; có điều thưa quý vị, tôi đâu phải, gã đầu bếp 200-đồng-một-tháng của quý vị, mà là ông chủ của chính tôi, làm việc dưới ánh nhấp nháy màu nghệ[2] và lục tỏa ra từ nữ thần neon của riêng tôi. Và những chutney với kasaundy[3] tôi chế biến, nói cho cùng, đều liên hệ với trò viết lách về đêm của tôi - ban ngày giữa những vại rau quả ngâm, ban đêm trên những trang giấy, tôi dành thời gian cho công việc vĩ đại là bảo quản. Ký ức, cũng giống như rau quả, đang được bảo vệ khỏi sự hủy hoại của đồng hồ.
[1] Một thứ nước sốt đặc trưng của Ấn Độ, thành phần gồm có hoa quả băm nhỏ, muối, đường..
[2] Nguyên văn: saffron, tức là hoa nghệ tây, phân biệt với turmeric là củ nghệ. Trong truyện Rushdie chủ yếu dùng khái niệm saffron để chỉ màu vàng nghệ.
[3] Một thứ gia vị cay, thành phần cơ bản là hạt mù tạc.
Nhưng Padma đang ở đây, cạnh khuỷu tay tôi, bắt tôi quay lại với thế giới của cốt truyện tuyến tính, với vũ trụ của rồi-sao-nữa: “Cứ thế này,” Padma phàn nàn, “anh sẽ hai trăm tuổi trước khi kể được đến chỗ anh chào đời.” Cô làm bộ hững hờ, chìa cái hông hớ hênh ra trước mặt tôi, nhưng không lừa được tôi. Tôi biết tỏng rằng cô, phản đối rầm rĩ thế thôi, cắn câu rồi. Chẳng nghi ngờ gì nữa: chuyện tôi kể đã hớp hồn cô, nên bỗng dưng cô thôi không cằn nhằn bắt tôi phải về nhà, phải chăm tắm hơn, phải thay bộ quần áo đầy mùi giấm ra, phải rời khỏi dù chỉ một tích tắc cái nhà máy rau quả ngâm tối om này, nơi mùi gia vị không ngừng sủi bọt trong không khí... giờ đây bà chúa phân của tôi cứ thế mắc một cái võng ở góc phòng và nấu nướng cho tôi trên hai cái bếp ga đen kịt, chỉ làm gián đoạn việc viết lách dưới ánh đèn Anglepoise của tôi để phản đối, “Anh liệu mà nhanh lên, kẻo anh sẽ ngoẻo trước khi kịp cho mình ra đời đấy.” Cố nén niềm tự hào chính đáng của người kể chuyện thành công, tôi toan dạy dỗ cô. “Mọi thứ - kể cả con người - đều có thể rỉ sang nhau,” tôi giải thích, “như hương vị khi ta nấu ăn. Cái chết của Ilse Lubin chẳng hạn, nó đã rỉ sang ông lão Aadam, đọng thành vũng ở đấy cho đến ngày ông gặp Chúa. Tương tự,” tôi nói, chân thành và truyền cảm, “quá khứ đá nhỏ giọt vào tôi... nên ta không thể bỏ qua nó được...” Cái nhún vai của cô, khiến ngực cô sóng sánh đến là thích mắt, ngắt lời tôi. “Với tôi đó là một cách điên khùng để kể chuyện đời anh,” cô kêu, “nếu mãi mà anh chẳng đến được đoạn bố mẹ mình gặp nhau.”
... Và đương nhiên là Padma đang rỉ sang tôi. Trong khi lịch sử tràn ra từ cơ thể nứt nẻ của tôi, bông sen của tôi âm thầm nhỏ giọt vào, với đầu óc thực tế, sự mê tín đến phi lý, tình yêu đầy mâu thuẫn của cô dành cho những chuyện hoang đường - nên cũng là thích hợp khi tôi sắp kể câu chuyện về cái chết của Mian Abdullah. Con Chim ngân nga bạc mệnh: một huyền thoại thời chúng tôi.
... Và Padma là một phụ nữ bao dung, bởi cô đã bên tôi trong những ngày cuối này, dẫu tôi chẳng làm được gì nhiều cho cô. Đúng vậy - một lần nữa, đây là điều phải lẽ cần nói ra trước khi tôi nhảy sang chuyện của Nadir Khan - tôi không còn là đàn ông nữa. Bất chấp muôn vàn tài khéo và đủ kiểu săn sóc của Padma, tôi không thể rỉ sang cô, ngay cả khi cô gác chân trái lên chân phải tôi, quặp chân phải quanh eo tôi, ngả đầu lên đầu tôi và kêu lên gừ gừ; kể cả khi cô thì thầm vào tai tôi, “Sáng tác xong rồi, xem ta có bắt cái bút chì kia làm việc được không nào!”; bất chấp mọi cố gắng của cô, tôi không thể phụt vào ống nhổ của cô được.
Tự thú thế đủ rổi. Khuất phục trước áp lực bất khả kháng mang tên Padma của chủ nghĩa rồi-sao-nữa, và nhớ đến khoảng thời gian hữu hạn tôi có trong tay, tôi nhảy một phát khỏi Mercurochrome và hạ xuống năm 1942. (Tôi cũng nóng lòng cho bố mẹ mình gặp nhau chứ.)
Có vẻ như cuối hè năm ấy, ông tôi, Bác sĩ Aadam Aziz, mắc phải một dạng bệnh lạc quan cực kỳ nguy hiểm. Đạp xe khắp Agra, ông huýt sáo rất chói tai, rất dở, nhưng hớn hở. Cố nhiên ông chẳng lẻ loi, bởi, bất chấp nỗ lực tột bậc của nhà chức trách hòng dập tắt nó, dịch bệnh lây lan ấy đã bùng phát trên khắp Ấn Độ, và các biện pháp quyết liệt sắp được thực thi để có thế kiểm soát được bệnh dịch. Mấy ông cụ ở hàng trầu trên đỉnh đường Cornwallis nhai trầu và dự báo có sự bất tường. “Tôi sống bằng này đã gấp đôi tuổi tôi đáng thọ,” cụ già nhất bảo, giọng cụ lạo xạo như cái đài cũ vì hàng thập niên đang cọ xát vào nhau quanh dây thanh đới, “mà chưa từng thấy đang cơn bĩ cực lại lắm người hớn hở đến thế. Nhất định là ma làm.” Đó, kỳ thực, là một thứ virus dẻo dai - riêng thời tiết lẽ ra đã đủ ngăn thứ vi trùng ấy sinh sôi, vì ai cũng thấy là năm nay sẽ hạn. Mặt đất nứt nẻ. Bụi nuốt sạch rìa đường, và có hôm từng vết nứt rộng hoác xuất hiện trên những giao lộ nện đá dăm. Mấy ông cụ nhai trầu ở hàng trầu bắt đầu bàn tán về điềm báo; tự trấn an bằng trò phụt-ống-nhổ, họ đoán già đoán non về vô số chuyện không tên trờimớibiếtlàgì giờ đây có thể nảy ra từ mặt đất nứt nẻ. Hình như cái khăn xếp của tay người Sikh sửa xe đạp tự dưng bật khỏi đầu gã giữa cái nóng buổi chiều, còn tóc gã, chẳng hiểu tại sao, tự nhiên dựng đứng lên. Và, tầm thường hơn, nước đã khan hiếm đến mức dân bán sữa cũng không kiếm nổi nước sạch để pha vào sữa nữa... Ở phương xa, một cuộc Thế chiến nữa đang nổ ra. Ở Agra, cái nóng tăng dần. Nhưng ông tôi vẫn huýt sáo. Các ông cụ hàng trầu cảm thấy tiếng huýt sáo của ông, giữa lúc như thế, có phần không hợp cảnh.
(Còn tôi, giống họ, phún xuất và vượt lên mọi nứt rạn.)
Cưỡi trên xe đạp, chiếc cặp hành trang buộc ở gác-ba-ga, ông tôi huýt sáo. Bất chấp cơn khó chịu trên mũi, môi ông chu ra. Bất chấp vết bầm trên ngực đã hai mươi ba năm không chịu tan đi, nỗi phấn khích của ông không hề suy suyển. Hơi thoát ra khỏi môi ông và hóa thành tiếng. Ông huýt sáo giao điệu Đức xưa: Tannenbaum.
Dịch bệnh lạc quan bắt nguồn từ một người duy nhất, mà tên ông ta, Mian Abdullah, chỉ riêng đám nhà báo là dùng. Còn với mọi người, ông là Chim ngân nga[4], một sinh vật hẳn sẽ là hoang đường ví thử nó không tồn tại. “Ảo thuật gia thành kẻ chiêu hồn[5],” đám nhà báo tán, “Mian Abdullah nổi lên từ ghetto lừng danh của giới ảo thuật Delhi để trở thành hy vọng của một trăm triệu người theo đạo Hồi Ấn Độ.” Chim ngân nga là nhà sáng lập, chủ tịch, người hợp nhất và linh hồn xúc tiến Hội nghị Hồi giáo Tự do; năm 1942, lều rạp và diễn đàn mọc lên giữa quảng trường Agra, nơi phiên họp thường niên lần thứ hai của Hội nghị sắp diễn ra. Ông tôi, năm mươi hai tuổi, tóc bạc đi vì năm tháng và những niềm đau khác, bắt đầu huýt sáo khi đi qua quảng trường. Lúc này ông cưỡi xe lượn qua từng góc phố, bó những góc cua lả lướt, luồn lách giữa những bãi phân bò và lũ nhóc... và, vào một thời điểm khác, ở một nơi khác, bảo Quận chúa xứ Cooch Naheen bạn ông: “Tôi khởi đầu là người Kashmir và không hẳn là tín đồ đạo Hồi. Rồi tôi bị một vết bầm trên ngực, biến tôi thành người Ấn Độ. Tôi vẫn không hẳn là tín đồ đạo Hồi, nhưng tôi hết lòng ủng hộ Abdullah. Ông ấy chiến đấu cuộc chiến của tôi.” Mắt ông vẫn xanh màu trời Kashmir... ông về đến nhà, và dù đôi mắt vẫn còn một tia thỏa mãn, tiếng huýt sáo ngừng bặt; bởi đợi ông trong mảnh sân đầy lũ ngỗng ác tâm là vẻ mặt khó chịu của bà tôi Naseem Aziz, người mà ông đã sai lầm khi yêu từng mảnh một, người giờ đây đã được hợp nhất và biến thành cái hình hài kỳ vĩ sẽ gắn liền với bà suốt đời, người luôn được biết đến với cái biệt danh kỳ lạ là Mẹ Bề trên.
[4] Hummingbird, tiếng Việt là chim ruồi. Loài chim này được gọi là humming (ngân nga) bird vì khi vỗ cánh phát ra âm thanh u u như tiếng hát. Người dịch dịch sát chữ cho phù hợp với tình tiết truyện.
[5] Nhan đề bài báo cố ý chơi chữ: magician và conjurer đều chỉ người làm ảo thuật. Conjure nghĩa là dùng ma thuật triệu tập linh hồn, ám chỉ việc Mian Abdullah đứng ra triệu tập Hội nghị Hồi giáo Tự do.
Bà đã trở thành một phụ nữ to bè, già trước tuổi, với hai nốt ruồi to tướng như ti phù thủy[6] giữa mặt; và bà cố thủ trong một pháo đài vô hình do bà dựng nên, một thành trì sắt đá của truyền thống và những điều xác tín. Hồi đầu năm, Aadam Aziz đặt ảnh phóng to bằng người thật của cả gia đình để treo trên tường phòng khách; ba cô con gái và hai cậu con trai làm mẫu khá ngoan ngoãn, nhưng Mẹ Bề trên nổi đóa lên khi đến lượt. Sau cùng, tay thợ ảnh định rình chụp lúc bà bất ngờ, nhưng bà vớ lấy chiếc máy và đập nó tan tành ngay trên sọ anh chàng. May thay, anh ta sống sót; có điều không đâu trên thế gian này có một bức ảnh bà tôi cả. Bà không phải là người chịu bị nhốt vào cái hộp đen con con của bất kỳ ai. Với bà, phải sống trong nỗi nhục nhã để mặt trần, không che mạng, đã đủ lắm rồi - bà không đời nào cho phép sự thật ấy được lưu giữ lại.
[6] Thời Trung cổ ở Châu Âu, người ta quan niệm những phụ nữ hành nghề phù thủy trên người sẽ có ba núm vú; núm thứ ba này (có thể là do đột biến gien, thịt thừa, nốt ruồi) là để nuôi quỷ. Hàng nghìn phụ nữ đã bị tòa án tôn giáo kết tội và hỏa thiêu căn cứ vào thuyết này.
Có lẽ việc buộc phải khỏa thân phần mặt, cộng với việc Aziz không ngừng yêu cầu bà nắc ở dưới ông, đã đẩy bà đến chỗ phòng thủ quyết liệt; và những gia quy do bà thiết lập là một hệ thống tự vệ kiên cố đến nỗi Aziz, sau nhiều nỗ lực bất thành, phần nào đã từ bỏ ý định đột kích vô số công sự và thành lũy của bà, mặc bà, như một con nhện tự mãn cỡ bự, ngự trị cái lãnh địa bà đã chọn. (Và, có lẽ, đó không phải là một hệ thống tự vệ, mà là một phương thức phòng vệ chống lại chính bà).
Trong số những thứ bà cấm cửa, có mọi vấn đề chính trị. Khi Bác sĩ Aziz muốn nói chuyện này, ông đến chỗ nữ Quận chúa bạn ông, và Mẹ Bề trên sưng sỉa lên; nhưng không quá lắm, bởi bà biết những chuyến đi của ông đồng nghĩa với chiến thắng của bà.
Hai tâm điểm trong vương quốc của bà là nhà bếp và nhà kho. Cái đầu tiên tôi chưa vào bao giờ, song tôi nhớ đã dòm qua cánh cửa chớp bị khóa của nhà kho vào thế giới bí hiếm bên trong, thế giới của những giỏ sắt treo trên tường và phủ vải lanh cho khỏi ruồi, của những hộp thiếc mà tôi biết đựng đầy đường phèn và những đồ ngọt khác, của những chiếc rương bị khóa dán nhãn chỉnh tề ngay ngắn, của các thứ hạt và củ cải và bao gạo, của trứng ngỗng và chổi cán gỗ. Nhà kho và bếp là hai lãnh địa không thể từ bỏ của bà, và bà bảo vệ chúng một cách hung tợn. Khi bà có bầu đứa con cuối cùng, dì Emerald, chồng bà đề nghị gánh đỡ cho bà công việc nhàm chán là giám sát đầu bếp. Bà không đáp; nhưng hôm sau, khi Aziz đến gần bếp, bà xuất hiện với một cái nồi kim loại trên tay và đứng chặn trước cửa. Bà béo và lại đang bầu, nên lối vào chả còn bao nhiêu. Aadam Aziz cau mày. “Gì thế này, mình?” Bà tôi đáp, “Đây, cáigìkhôngbiết, là một cái nồi rất nặng; và nếu tôi tóm được ông vào đây dù chỉ một lần thôi, cáigìkhôngbiết, tôi sẽ nhét đầu ông vào đó, thêm tí dahi, và làm, cáigìkhôngbiết, một nồi korma.” Tôi không biết từ đâu bà tôi lại biến cái ngữ cáigìkhôngbiết ấy thành câu cửa miệng, nhưng theo năm tháng nó thâm nhập vào những câu nói của bà mỗi lúc một nhiều. Tôi cứ muốn nghĩ về nó như một tiếng kêu cứu vô thức... như một câu hỏi thực sự. Mẹ Bề trên đang ám thị với chúng ta rằng, bất chấp sự tồn tại và đồ sộ của mình, bà đang trôi dạt trong vũ trụ. Bà không biết, quý vị thấy đấy, cái đó gọi là gì.
... Và tại bàn ăn, với sự độc đoán, bà tiếp tục trị vì. Không món nào được bày ra bàn, không bát đĩa nào được dọn. Cà ri và bát đĩađược bày bố trên chiếc bàn phụ thấp bởi một tay bà, còn Aziz và lũ trẻ bà dọn cho gì thì ăn nấy. Chính bởi tính biểu trưng của quyềnlực trong tục lệ này mà, ngay cả khi chồng bà bị chứng táo bón hành hạ, bà không một lần cho phép ông chọn món ăn, và không lắng nghe bất cứ thỉnh cầu hay lời khuyên nào. Pháo đài không chuyển động. Kể cả khi hoạt động của những sinh linh lệ thuộc nó trở nên bất thường.
Suốt thời gian dài ẩn náu của Nadir Khan, và suốt những lần đến chơi ngôi nhà ở đường Cornwallis của anh chàng Zulfikar người si mê Emerald và của tay lái buôn reccine-và-vải-giả-da[7] thành đạt có tên Ahmed Sinai người khiến bác Alia tôi tổn thương sâu sắc đến độ bà ôm hận suốt hai mươi lăm năm trước khi phát tiết một cách cay nghiệt lên mẹ tôi, vòng kìm kẹp của Mẹ Bề trên với gia đình chưa từng lơi lỏng; và từ trước khi sự xuất hiện của Nadir kích phát sự im lặng đáng sợ, Aadam Aziz đã cố phá vỡ vòng kìm kẹp này, và buộc phải tuyên chiến với vợ mình. (Tất cả những chuyện này nhằm để cho thấy tác động của bệnh lạc quan lên ông là khác thường đến mức nào.)
[7] Reccine cũng là một loại vải giả da, xuất xứ từ Rexine là tên một thương hiệu nổi tiếng của Anh.
... Vào 1932, mười năm trước đó, ông đã giành quyền kiểm soát việc học hành của các con. Mẹ Bề trên rất lo; nhưng đó là vai trò truyền thống của người cha, nên bà chẳng thể phản đối. Alia mười một; cô bé thứ hai, Mumtaz, xấp xỉ chín tuổi. Hai cậu bé, Hanif và Mustapha, lên tám và sáu, cô út Emerald chưa đầy năm tuổi. Mẹ Bề trên quay ra giãi bày nỗi lo với người đầu bếp, Daoud. “Lão ẫy nhồi vào đầu lũ trẻ những tiếng gì ta cũng chịu, cáigìkhôngbiết, và đủ thứ rác rưởi khác, hẳn rồi.” Daoud quấy thức ăn và Mẹ Bề trên than thở, “Ngươi có tưởng được là, cáigìkhôngbiết, con bé tự gọi mình là Emerald? Bằng tiếng Anh, cáigìkhôngbiết? Lão ấy rồi sẽ làm hỏng hết bọn trẻ. Rắc vừa thìa là thôi, cáigìkhôngbiết, ngươi liệu tập trung nấu nướng và bớt hóng hớt chuyện người khác đi.”
Bà đặt ra một điều kiện giáo dục duy nhất: dạy dỗ về giáo lý. Không như Aziz, bị giằng xé bởi nỗi mơ hồ, bà vẫn là người sùng đạo. “Ông có Chim ngân nga của ông,” bà nói, “còn tôi, cáigìkhôngbiết, tôi có Tiếng gọi của Chúa. Một tiếng tốt hơn, cáigìkhôngbiết, tiếng ngân nga của thằng cha ấy.” Đó là một trong những bình luận chính trị hiếm hoi của bà... thế rồi đến cái ngày Aziz tống cổ ông thầy giáo lý. Ngón cái và ngón trỏ kẹp lấy tai vị maulvi. Naseem Aziz thấy chồng bà dắt ông lão bất hạnh râu ria thõng thượt ra cửa vườn; há hốc miệng; rồi rú lên khi cái chân chồng bà tiếp xúc với phần mỡ màng của con người khả kính kia. Nổi trận lôi đình, Mẹ Bề trên liền xung trận.
“Đồ không có nhân phẩm!” bà rủa chồng, “Đồ không biết, cáigìkhôngbiết, nhục!” Lũ trẻ đứng nhìn từ chỗ an toàn dưới mái hiên sau nhà. Và Aziz, “Bà có biết lão dạy con bà những gì không?” Và Mẹ Bề trên phóng câu hỏi đáp trả câu hỏi. “Có thứ gì là ông không từ để gieo tai ương, cáigìkhôngbiết, xuống cái nhà này không?” -Nhưng giờ Aziz, “Bà tưởng là chữ Nastaliq[8] chứ gì? Hả?” - và vợ ông, tiếp tục khởi động, “Ông có ăn thịt lợn không? Cáigìkhôngbiết? Có nhổ vào kinh Quran không?” Và, cao giọng, ông bác sĩ trả đòn, “Hay là vài tiết của ‘Con Bò’[9]? Bà tưởng thế à?”... Không thèm để ý, Mẹ Bề trên đạt đến cực điểm: “Ông có gả con gái cho bọn Đức không!?” Rồi dừng lại, hào hển lấy hơi, để ông tôi nói ra, “Lão dạy chúng thù ghét, thưa bà. Lão dạy chúng thù ghét từ tín đồ Hindu đến đạo Phật đến đạo Kỳ Na đến đạo Sikh và những người ăn chay khác có giời mới biết. Bà muốn con bà đầy thù hận à, đồ đàn bà?”
[8] Một thể văn tự của Ba Tư, phổ biến ở các nước Nam Á.
[9] Chương 2 của kinh Quran
“Ông muốn con ông vô đạo à?” Mẹ Bề trên mường tượng ra những binh đoàn của Đại thiên sứ Gabriel giáng hạ giữa đêm để giải lũ con dị giáo của bà xuống hỏa ngục. Bà có những hình dung rất sống động về hỏa ngục. Nó nóng như Rajputana[10] tháng Sáu và mọi người đều bị bắt học bảy thứ tiếng... “Tôi xin thề, cáigìkhôngbiết,” bà tôi nói, “rằng sẽ không một mẩu thức ăn nào đi từ bếp của tôi vào mồm ông! Không, một mẩu chapati cũng không, đến chừng nào ông đón maulvi sahib về và hôn, cáigìkhôngbiết, chân ông ấy!”
[10] Ngày nay là Rãjasthãn, một bang ở Tây Bắc Ấn Độ, khí hậu sa mạc rất khắc nghiệt.
Cuộc chiến đói ăn khởi đầu ngày hôm đó suýt nữa đã trở thành một cuộc quyết đấu sinh tử. Giữ đúng lời thề, khi đến bữa, Mẹ Bề trên không dọn cho chồng, một tí gì, dù chỉ là cái đĩa không. Bác sĩ Aziz lập tức trả đũa, bằng cách dứt khoát tuyệt thực khi ra ngoài. Ngày qua ngày, năm đứa trẻ chứng kiến ông bố từ từ tiêu biến, trong khi bà mẹ lạnh lùng canh gác thức ăn. “Bố có biến mất hoàn toàn được không?” Emerald thích thú hỏi, rồi lo lắng thêm, “Bố đừng làm vậy nhé, trừ phi bố biết cách quay về lại.” Mặt Aziz xuất hiện những hốc lõm; mũi ông dường như cũng gầy đi. Cơ thể ông trở thành một chiến trường và mỗi ngày một mảnh của nó lại nổ tan tành. Ông bảo Alia, cô cả, đứa con hiểu biết: “Trong mọi cuộc chiến tranh, chiến trường chịu sự tàn phá nặng nề hơn cả hai bên tham chiến. Điều này là tất yếu.” Ông bắt đầu phải ngồi xe kéo khi đi thăm bệnh. Bác Hamdard kéo xe bắt đầu lo lắng cho ông.
Quận chúa xứ Cooh Naheen phái sứ giả đến cầu xin Mẹ Bề trên. “Ấn Độ chưa đủ nhiều người chết đói hay sao?” sứ giả hỏi Naseem, và bà phóng ra một cái nhìn dữ dội của mãng xà[11] đã sớm trở thành huyền thoại. Tay chắp lại đặt trên đùi, tấm dupatta bằng vải muslin quấn chặt vắt cổ chày quanh đầu, bà dùng cặp mắt không mí xuyên thấu những vị khách và bức mắt họ cụp xuống. Giọng họ hóa đá; tim họ đông cứng lại; và một mình trong phòng giữa đám đàn ông lạ mặt, bà tôi ngồi ngạo nghễ, xung quanh là những ánh mắt cúi gằm. “Đủ nhiều, cáigìkhôngbiết?” bà kiêu hãnh thốt. “Hừm, có thể. Nhưng, cũng có thể chưa.”
[11] Basilisk: giống mãng xà trong truyền thuyết, ánh mắt có sức mạnh giết người.
Nhưng sự thật là Naseem Aziz rất lo lắng; vì trong khi cái chết vì đói của Aziz sẽ là minh chứng rõ ràng cho sự ưu việt của thế giới quan của bà so với của ông, bà không sẵn lòng làm quả phụ chỉ vì một nguyên tắc; có điều bà không tìm được lối thoát cho tình trạng ấy mà không phải nhượng bộ và mất mặt, và khi đã buộc phải để mặt trần, bà tôi tuyệt không cam tâm mất một tí mặt nào.
“Sao mẹ không ốm đi ?” - Alia, đứa con hiểu biết, tìm ra giải pháp. Mẹ Bề trên vội vã rút lui chiến thuật, kêu rằng mình bị đau, tất nhiên là một cơn đau dữ dội, cáigìkhôngbiết, và nằm liệt giường. Khi bà vắng mặt, Alia chìa nhành ô liu cho cha, dưới hình dáng một bát xúp gà. Hai ngày sau, Mẹ Bề trên ngồi dậy (sau khi từ chối cho chồng khám bệnh lần đầu tiên trong đời), tiếp quản lại quyền lực, rồi với một cái nhún vai mặc nhận trước quyết định của con gái, đưa thức ăn cho Aziz cứ như thể đó chỉ là một chuyện hết sức nhỏ nhặt.
Đó là chuyện mười năm trước; thế nhưng, đến 1942, những ông cụ ở hàng trầu vẫn bị cảnh ông bác sĩ huýt sáo khơi dậy những ký ức buồn cười về lần vợ ông thiếu điều nữa đã khiến ông phải diễn trò biến mất, dù ông không biết cách quay trở lại. Mãi đến lúc trời tối họ vẫn huých nhau với những, “Ông có nhớ cái hồi...” và “Khô quắt lại y hệt bộ xương trên dây phơi! Ông ấy còn chả đạp nổi...” và “... tôi nói ông nghe, baba, mụ ấy làm được những chuyện gớm lắm. Tôi nghe nói mụ ta còn mơ cả giấc mơi của con gái, chỉ để biết chúng đang mưu tính gì!” Nhưng khi trời tối hẳn, trò huých nhau ấy cũng tàn, vì đã đến giờ thi đấu. Nhịp nhàng, trong yên lặng, họ nhai; rồi bỗng một cặp môi chúm lại, nhưng thứ phun ra không phải là hơi gió. Không phải tiếng sáo, mà là một vòi nước trầu dài, đỏ phóng ra từ đôi môi già nua, và bay với sự chính xác tuyệt đối vào cái ống nhổ đồng thau cũ kỹ. Tiếng vỗ đùi và sự thán phục kiểu “Kinh, kinh!” và, “Một phát quá cao thủ!” vang lên không ngớt... Quanh mấy ông lão, thị trấn nhạt nhòa dần và trò chơi đêm không mục đích. Trẻ con chơi đánh vòng đuổi bắt và vẽ râu lên những tấm áp phích của Mian Abdullah. Và giờ mấy ông cụ đặt cái ống nhổ ra giữa đường, càng lúc càng xa chỗ họ ngồi, và phun những tia nước mỗi lúc một dài hơn về phía nó. Tia nước bay vẫn chuẩn. “Ồ quá đỉnh, yara!” Đám nhóc bụi đời chơi trò né qua né lại giữa những tia nước đỏ, đem trò thi gan này chồng lên môn nghệ thuật nghiêm túc phụt-ống-nhổ... Nhưng đây rồi một chiếc xe quân sự, lũ nhóc chạy tán loạn khi nó tới... đây, Chuẩn tướng Dodson, chỉ huy quân sự của thành phố, ngạt thở vì nóng... còn đây, viên A.D.C[12] của ông ta, Thiếu tá Zulfikar, đang chìa cho ông cái khăn. Dodson lau mặt; lũ nhóc chạy tán loạn; cỗ xe húc đổ cái ống nhổ. Một vùng chất lỏng đỏ sậm, lẫn những cục nhỏ như máu, đông lại thành một bàn tay đỏ lòm trong bụi đường và chỉ về quyền lực đang rút lui của Raj[13] đầy vẻ kết tội.
[12] Viết tắt của aide-de-camp: sĩ quan phụ tá.
[13] Tên gọi chế độ cai trị của Anh tại tiểu lục địa Ấn Độ trước năm 1947; tên chính thức là “Đế quốc Ấn Độ thuộc Anh” (British Indian Empire).
Hồi ức của một tấm hình mốc meo (có lẽ là tác phẩm của chính anh thợ ảnh tội nghiệp bị nện ung óc, vì mấy bức ảnh phóng to bằng người thật mà suýt nữa thì toi mạng): Aadam Aziz, rạng rỡ vì chứng sốt-lạc-quan, bắt tay một người đàn ông trạc sáu mươi, típ người nôn nóng, sôi nổi, một lọn tóc bạc rủ xuống lông mày như một vết sẹo dễ gần. Đó là Mian Abdullah, con Chim ngân nga. (“Ông xem, Bác sĩ Sahib, tôi tập tành kỹ lắm. Ông muốn đấm vào bụng tôi không? Thử đi, thử đi. Người tôi cực ngon đấy.”... Trong ảnh, nếp gấp của chiếc áo trắng rộng giấu đi cái bụng, còn nắm tay ông tôi không siết lại, mà bị nuốt gọn trong bàn tay nhà cựu ảo thuật.) Còn đằng sau, nhìn họ đầy độ lượng, là Quận chúa xứ Cooch Naheen, người đang trắng bợt ra từng mảng, một căn bệnh đã rỉ vào lịch sử và bùng phát trên diện rộng không lâu sau Độc lập... “Ta là nạn nhân,” Quận chúa thầm thì, qua đôi môi nhiếp ảnh vĩnh viễn không mấp máy, “nạn nhân bất hạnh của các mối quan tâm liên văn hóa của mình. Da ta là biểu hiện bên ngoài của chủ nghĩa quốc tế trong tâm hồn ta.” Phải, một cuộc đối thoại đang diễn ra trên bức ảnh này, khi, như những nghệ nhân nói tiếng bụng, những kẻ lạc quan gặp thủ lĩnh của họ. Đứng cạnh Quận chúa - nghe cho kỹ đây; sử học và phả hệ chuẩn bị gặp nhau! - là một gã lập dị, thịt nhão, bụng phệ, mắt như nước ao tù, tóc dài như thi sĩ. Nadir Khan, thư ký riêng của con Chim ngân nga. Chân gã, nếu không bị tấm ảnh đóng băng lại, sẽ nhấp nhổm vì bối rối. Gã lí nhí qua nụ cười ngớ ngẩn, gượng gạo, “Thật mà; tôi có làm thơ...” Tới đây Mian Abdullah ngắt lời, cái miệng với hàm răng nhọn sáng loáng oang oang: “Nhưng thơ gì! Ngần ấy trang chẳng có nổi một vần!” Và Quận chúa, nhỏ nhẹ: “Một nhà thơ cách tân chăng?” Và Nadir, bẽn lẽn: “Vâng.” Ghê gớm thay sự căng thẳng của cảnh tĩnh, bất động ấy. Sắc nhọn thay câu đùa ấy, khi con Chim ngân nga nói: “Thế thì đã sao; nghệ thuật là phải khơi dậy; nó phải nhắc nhở chúng ta về di sản văn chương huy hoàng của mình!”...Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian